Chương trình nghệ sỹ lưu trú Villa Sài Gòn

Thông qua chương trình lưu trú “Villa Saigon”, Viện Pháp tại Việt Nam mong muốn tạo ra cầu nối giữa sáng tạo đương đại của Pháp và bối cảnh văn hóa Việt Nam. Mỗi năm, chương trình tiếp đón các nghệ sĩ Pháp đến sáng tác và phát triển dự án sáng tạo cùng với đối tác văn hóa tại địa phương.

Thời gian lưu trú kéo dài từ hai tuần đến hai tháng và sau đó các tác phẩm sẽ được giới thiệu đến công chúng. Viện Pháp tại Việt Nam sẽ hỗ trợ hậu cần và tài chính (hỗ trợ sản xuất, chi phí sinh hoạt) cho nghệ sĩ. Họ sẽ được đón tiếp trong những căn phòng rộng rãi, thoáng đãng, có không gian để làm việc.

Thông báo mời ứng tuyển tham gia chương trình dành cho mọi nghệ sĩ, không giới hạn ngành nghệ thuật, sẽ được công bố hàng năm để lựa chọn cho chương trình lưu trú vào năm sau. Ban giám khảo gồm các nhân vật và chuyên gia người Pháp và người Việt, do cơ quan văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam làm chủ trì.

Nghệ sỹ lưu trú chương trình Villa Saigon 2023-2024

Chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon dành cho các nghệ sĩ / các nhóm nghệ sĩ quốc tịch Pháp hoặc đang sinh sống tại Pháp, hoạt động ở tất cả các môn nghệ thuật, chuyên về sáng tác đương đại và các dự án sáng tạo, với mục đích nhằm thiết lập những cầu nối văn hóa lâu dài giữa Pháp và Việt Nam.

Nơi lưu trú của chương trình Villa Sài Gòn tọa lạc ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, cho phép các nghệ sĩ thực hiện dự án của mình dưới sự hỗ trợ về tài chính cùng đội ngũ hỗ trợ tận tâm.

Năm nay, chương trình Villa Sài Gòn mở rộng giới hạn không chỉ tại TP.HCM mà đồng thời mang đến cho nghệ sĩ cơ hội trải nghiệm tại địa điểm mới như Đà Lạt và Hội An.

Năm 2020, 12 nghệ sĩ đã được tuyển chọn bởi ban giám khảo Pháp-Việt trong khuôn khổ chương trình Villa Saigon phối hợp với đối tác A.Farm, cũng như trong khuôn khổ hợp tác mới với Hội đồng Nghệ thuật và Văn học Quebec triển khai một hình thức lưu trú sáng tác mới dành cho các nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật thị giác. 

Khám phá thêm tại Brochure-Villa-Saigon-2020

Năm 2019, 12 nghệ sĩ và nhóm nghệ sỹ đã được tuyển chọn bởi ban giám khảo Pháp-Việt. Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với đối tác A.Farm để triển khai một hình thức lưu trú sáng tác mới dành cho các nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật thị giác.

Bạn có thể xem thêm thông tin về các nghệ sỹ và những dự án của họ tại đây.

Thierry Thieû Niang

Thierry Thieu Niang là vũ công và biên đạo múa. Anh từng là giáo viên và nhà tâm lý học tại Pháp và nước ngoài, trước khi được đào tạo về múa bởi Renate Pook, Douglas Dunn và Julyen Hamilton. Các sáng tác của anh đã được trình diễn tại Nhà hát thành phố Lille, Nhà hát Gaïté Lyrique, Nhà hát quốc gia Paris, Liên hoan Sân khấu Avignon và Nhà hát Quốc gia Bretagne cùng nhiều nơi khác.

Trong những dự án của mình, Thierry Thieû Niang luôn cộng tác với nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nghệ sỹ sân khấu Patrice Chéreau, và cả những người không chuyên là trẻ con, thiếu niên, người lớn, tù nhân và thậm chí, người tự kỷ. Năm 2017, đạo diễn Valeria Bruni Tedeschi  đã quay một bộ phim về anh khi anh đang dạy múa cho người cao niên tại viện dưỡng lão. Rất nhanh, máy quay tập trung vào một nữ bệnh nhân, Blanche Moreau, người đang phải lòng chàng vũ công. Kết quả là bộ phim tài liệu Thiếu nữ tuổi 90 đã ra đời và gặt hát thành công lớn khi phát hành tại Pháp.

Tại Chương trình Nghệ sỹ lưu trú ở TP. Hồ Chí Minh, Thierry Niang sẽ dẫn dắt các workshop sáng tác biên đạo múa dành cho nhiều đối tượng khác nhau : học sinh trung học, sinh viên, người cao niên hoặc vũ công. Workshop sẽ xoay quanh chủ đề cơ thể và việc sáng tác văn học như là “ngôi nhà của tâm hồn” và lấy cảm hứng từ những đoạn văn tuyệt vời của nữ nhà văn Linda Lê. Kết thúc sẽ là bộ phim ghi lại hình ảnh về những buổi tập này.

François Andès & Luiz Carvalho

François Andes đã được đào tạo tại trường Nghệ thuật ứng dụng tại Roubaix và Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Bruxelles. Tranh của anh đã được triển lãm tại Viện Pháp tại Tétouan, Bảo tàng Bispo Do Rosario. Anh cũng là người giành được một suất học bổng Nghệ sỹ lưu trú tại Casa France Brazil.

Tạp chí Thế giới Âm nhạc (Le Monde de la Musique) giới thiệu nghệ sĩ piano Luiz Gustavo Carvalho như là một trong những tài năng hứa hẹn nhất của thời đại chúng ta. Là giám đốc nghệ thuật của Liên hoan Artes Vertentes (Brazil), anh đã từng học tại Belo Horizonte, Đại học Âm nhạc Vienne (Áo) và Nhạc viện Tchaikovski Mát-xcơ-va (Nga).

Những bức họa của François Andès được lấy cảm hứng và suy tư từ trải nghiệm về một khung cảnh hoang dã và các quá trình biến đổi của nó, để nghiên cứu các khu vực ranh giới giữa không gian hoang dã và văn minh.

Là một nghệ sĩ piano, Luiz Carvalho rất thích thú với âm nhạc đương đại và luôn tìm tòi cách kết hợp piano với các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác như vẽ, nhiếp ảnh, điện ảnh.

Sự chuẩn bị, tập hợp tất cả các nghiên cứu mà François Alves và Luiz Gustavo Carvalho tiến hành xung quanh sự giống nhau giữa các tín ngưỡng trên toàn thế giới. Nhờ có chương trình Nghệ sỹ lưu trú, hai nghệ sỹ sẽ sắp đặt một sân khấu trình diễn gần giống với sân khấu múa bóng hay múa rối nước, với những âm thanh gốc được ghi âm ở TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Mekong. Sản phẩm cuối cùng, được đặt tên là Đi qua thảm họa, sẽ là một bộ phim hoạt hình và sẽ được giới thiệu trong khuôn khổ Liên hoan phim Mons 2018.

Trình chiếu ngày 7/2/2018 tại Salon Saigon

Marine Bachelot Nguyen

Marine Bachelot Nguyen là nhà văn và đạo diễn sân khấu. Sau những năm học chuyên ngành Văn học và Nghệ thuật sân khấu, cô làm việc như một nhà soạn kịch cho Nhà hát Những ý tưởng điên rồ (Théâtre de Folle Pensée) tại Saint-Brieuc. Năm 2009, cô nhận được một học bổng sáng tạo ở Chartreuse của Villeneuve-lès-Avignon. Với dự án “Bóng và Ô-môi”, về cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) tại Việt Nam, cô đã giành được học bổng Hors-les-Murs của Viện Pháp và học bổng Khám phá của Trung tâm Sách Quốc gia Pháp. Được sự ủng hộ của Nhà hát Quốc gia Bretagne, cô đã ra mắt vở diễn năm 2016.

Marine Bachelot Nguyen khám phá mối liên đới giữa tiểu thuyết và tài liệu, những giao cắt của cơ thể và chính trị, những vấn đề về nữ quyền và hậu thuộc địa. Trong các bản viết và dàn dựng của cô, công việc viết lách và đạo diễn sân khấu liên tục bổ sung cho nhau, để tìm ra những phương thức thích hợp nhất khiến cho những con chữ vang lên và trở nên sống động trong không gian công cộng.

Giữa Việt Nam, Pháp và Nga, vở diễn của Marine Bachelot Nguyen đi tìm những ký ức gia đình của chúng ta, những điều không được nói, tiếng động và sự lặng im, sự liên hệ với Lịch sử dân tộc. Quan sát xem bằng cách nào mà những tư tưởng lớn (chủ nghĩa thực dân, Kitô giáo, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản…) đã đan xen trong tiểu sử và trong cơ thể chúng ta. Marine Bachelot Nguyễn sẽ làm việc với các diễn viên François-Xavier Phan và Marina Keltchewsky. Chương trình Nghệ sỹ lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh cho phép nhóm nghệ sỹ viết và xây dựng các buổi diễn kịch tại Việt Nam và Pháp, từ chính những chất liệu pha trộn giữa riêng tư và chính trị này.

Biểu diễn: 6/3/2018 tại IDECAF

Perrine Lievens

Perrine Lievens tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris. Cô đã tham gia nhiều Chương trình Nghệ sỹ lưu trú như Fonderie Darling ở Montréal, biệt thự Kujoyama ở Nhật. Cô đã nhận giải thưởng điêu khắc của Viện Hàn lâm Mỹ thuật, giải LVMH và giải Hiscox. Ngoài ra, cô từng triển lãm các tác phẩm của mình ở vườn Elysée nhân dịp Những ngày Di sản châu Âu, tại Nhà Đỏ, tại Quỹ hỗ trợ Nghệ thuật đương đại vùng LanguedocRoussillon, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại La Panacée của Montpellier… Cô được đại diện bởi Phòng triển lãm Von Bartha, tại Bâle (Thụy Sỹ).

Tập trung đề cao những đặc tính kỳ diệu vốn có của chất liệu, Perrine Lievens sử dụng sức mạnh khơi gợi của chúng để làm nổi bật lên ý nghĩa tác phẩm. Làm thế nào “triển khai vật liệu” để “khai mở trí tưởng tượng”? Sở thích của cô đối với sự mong manh và khó nắm bắt đặt ra cho cô những thách thức kỹ thuật thật sự. Các tác phẩm của cô mời gọi người xem nhìn lại thực tại một cách nhạy cảm và trải nghiệm một thế giới vừa được tái tạo.

Tiếp nối một dự án đã bắt đầu cách đây cả chục năm ở Hà Nội, chương trình Nghệ sỹ lưu trú sẽ là cơ hội để Perrine Lievens quan sát sự chuyển động của những vật thể trong thành phố, những tình huống thi vị sinh ra từ những cuộc gặp gỡ này. Cô sẽ thực hiện một cuộc triển lãm mang tên 125 xăng ti mét khối. Cái tên của triển lãm phản ánh cuộc sống náo nhiệt của những chiếc xe hai bánh và nhịp điệu mà chúng áp đặt cho thành phố, đồng thời cũng báo trước một thể tích cần có và kích thước có thể của một loạt tác phẩm điêu khắc sẽ được trình bày trong thể tích đó.

Sébastien Ly

Là vũ công và biên đạo múa gốc Việt, Sébastien Ly được đào tạo tại Trung tâm Quốc gia về Múa đương đại của Angers. Sau đó, anh làm việc với Trung tâm Múa quốc gia của Nantes, dưới sự chỉ đạo của Claude Brumachon. Anh đã lấy Bằng Quốc gia Giảng viên múa đương đại và tổ chức nhiều lớp học cho các đối tượng học viên khác nhau. Đặc biệt, anh đã từng biểu diễn tại Nhà hát Punchdrunk tại Luân Đôn, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại quốc gia Villa Arson, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Collection Lambert của Avignon và ở Liên hoan múa Avis de Turbulences tại Nhà hát Etoile du Nord – Scène Conventionnée Danse, Paris.

Các vở múa của Sébastien Ly đặc trưng bởi mong muốn mở ra những không gian đầy chất thơ trên sân khấu, trong không gian công cộng, và trực tiếp ngay trên cơ thể thông qua các tương tác nghệ thuật với các khán giả khác nhau. Anh yêu thích sự tĩnh lặng và những không gian trống, bởi chúng giúp khẳng định rằng cơ thể tự có giá trị đầy đủ trong chính nó, trong cuộc tìm kiếm không ngừng bản thể của mình. Thông qua phương pháp sư phạm của mình, anh sử dụng cơ thể như phương tiện thể hiện mối quan hệ nhạy cảm giữa con người với thế giới, và với người khác.

Sébastien Ly tham gia Chương trình Nghệ sỹ lưu trú và bắt đầu dự án này ngay từ tháng 11 năm 2016. Kết quả là triển lãm Ký ức và Chuyển động (Mémoires x Mouvements), dự án thí điểm được Viện Pháp tại Việt Nam hỗ trợ đã được giới thiệu vào tháng 11 năm 2016 ở trường Colette cũ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Festival Krossing-Over là một hành trình độc đáo, nơi mà nghệ thuật múa giao thoa với các loại hình nghệ thuật khác như: thị giác,tạo hình, thơ ca, âm nhạc hay ẩm thực. Đây cũng là hành trình nối kết các nghệ sỹ Pháp và Việt Nam.

Lena Paugam

Lena Paugam, đạo diễn sân khấu, diễn viên, được đào tạo tại Nhạc viện Paris. Cô đã làm việc dưới sự chỉ dẫn của Caroline Marcadé, Yvo Mentens, Sylvain Lewitte và Denis Podalydès. Cô đã đóng một vai chính trong Cái bóng của những người đàn bà, phim dài được giới thiệu tới Hội đồng Giám khảo của Liên hoan phim Cannes năm 2015, và sau đó được đề cử hạng mục « Phát hiện » tại Liên hoan phim Césars 2016. Cô được bảo trợ bởi Sân khấu Quốc gia Saint-Brieuc.

Lena Paugam nghiên cứu nghệ thuật soạn kịch đương đại, cụ thể hơn là về các tác phẩm của nữ kịch gia người Pháp Noëlle Renaude. Các vở kịch cô dàn dựng năm 2015 là dành cho giới trẻ. Cô đã hòa nhập vào một trường trung học ở St-Brieuc để dựng vở Ngày 20 tháng mười một của Lars Norén và thực hiện những cuộc trò chuyện với các bạn trẻ từ 18-25 tuổi để dựng vở Hãy để tuổi trẻ được yên của Côme de Bellescize.

Thông qua việc viết một vở kịch sân khấu, Lena Paugam muốn đi tìm những hình thức thể hiện truyền thống của một tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam: Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vở kịch của cô sẽ kể lại cuộc tìm kiếm nguồn gốc, di sản chưa được biết đến và bí mật này. Từ cuộc gặp gỡ với các dịch giả, các nhà phê bình Việt Nam chuyên nghiên cứu Truyện Kiều, cô mong muốn dàn dựng vở diễn này. Chương trình Nghệ sỹ lưu trú cho phép cô làm việc cùng một
dàn diễn viên Việt Nam để diễn lại các đoạn được kể bằng tiếng Pháp bởi diễn viên François-Xavier Phan.

Biểu diễn ngày 10/5/2018 tại IDECAF

Bruno Grasser

Bruno Grasser tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Trang trí Strasbourg năm 2014 và được cấp Bằng Quốc gia Cao cấp về nghệ thuật tạo hình. Anh đã giới thiệu tác phẩm của mình trong khuôn khổ các cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và đương đại Strasbourg, Nhà trưng bày Stapfelhus, triển lãm ảnh hai năm một lần ở Mulhouse, Trường Mỹ thuật Montpellier và Trung tâm Nghệ thuật đương đại Fondation Schneider.

Năm 2016, anh đã đoạt giải thưởng Nghệ thuật và Ký ức, do ANDRA – Cơ quan Quản lý chất thải phóng xạ quốc gia trao tặng. Những tác phẩm sắp đặt của Bruno Grasser là những con ma xuất hiện từ nhiều niên đại khác nhau, sử dụng những nguồn gốc, những câu chuyện, những tài liệu và những hình dạng sinh ra từ lục địa kỹ thuật số mới này. Say mê khoa học viễn tưởng, cái nhìn của nghệ sỹ được ghi dấu bởi tầm nhìn về một thế giới đang hư hoại, trong đó, việc phải định hình lại nó một cách khẩn cấp được thể hiện qua một tình huống cụ thể.

Ký ức chơi vơi tập trung thực hiện mô hình những kiến trúc gây mệt mỏi, chơi vơi như những băng rôn cờ xí ở Thành phố Hồ Chí Minh, và cho thấy những di sản kiến trúc của thành phố có nguy cơ biến mất. Nếu như những băng rôn đòi hỏi bản sắc thành thị của chúng, những kiến trúc này cũng cho thấy chúng như đang thương lượng để có mặt và hội nhập vào cuộc sống đô thị. Chúng sẽ kể lại thân phận của mình, khi phải cố chiếm lấy một mảnh trời còn sót lại nhờ thoát khỏi đám vải vóc đô thị.

Nodey

Là người làm nhạc beat và nhà sản xuất âm nhạc cho những ca sĩ nhạc rap nổi tiếng nhất của Pháp, Nodey không ngừng khám phá nghệ thuật sampling – sáng tác nhạc dựa trên những đoạn nhạc đã thu âm trước đó. Năm 2015, anh nhận giải thưởng Đĩa hát Vàng đầu tiên cho việc sản xuất bài hát Chanson Française của Youssoupha. Mới đây, anh chuyển sang theo đuổi các dòng nhạc điện tử nhưng không vì thế mà đánh mất phong cách hip hop của mình.

Nodey phát triển các sáng tác của mình dựa trên các đoạn nhạc có sẵn và trau chuốt chúng bằng phần mềm máy tính. Là người Pháp gốc Việt, beatmaker tài năng mới đây đã sử dụng ảnh hưởng của âm nhạc Việt Nam truyền thống và đã lấy mẫu một số băng đĩa vinyl cổ điển của những năm 60 để tạo ra một âm thanh Pháp-Á độc đáo cho các sản phẩm âm nhạc của mình.

5 bài trong VinaSounds Vol.1, ra đời năm 2016, đã cho phép Nodey vẽ lại theo cách của mình bản đồ một nước Việt Nam trong tưởng tượng. Hợp tác với Piu Piu Records, Nodey đến Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc cùng các nghệ sỹ của thành phố và thu âm với các ca sĩ Việt Nam. Họ cũng sẽ nghiên cứu về các thể loại âm nhạc và nhạc cụ truyền thống Việt Nam để pha trộn trong
các sáng tác của mình.

Eddie Ladoire

Nghệ sĩ tạo hình, nhà soạn nhạc, Eddie Ladoire đã cùng lúc theo học hai chuyên ngành tại Trường Nghệ thuật ứng dụng và Nhạc viện Bordeaux. Là tác giả của những bản nhạc được phát trên đài phát thanh, đặc biệt là cho France Musique, anh cũng đồng thời triển lãm các tác phẩm của mình tại nhiều trung tâm nghệ thuật như Trung tâm Pompidou, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Muntref tại Buenos Aires, City Sonics tại Bruxelles, Montréal… Anh sáng tác phần âm thanh cho các triển lãm, soạn nhạc cho điện ảnh, truyền hình và cũng phát triển các dự án hòa nhạc-điện ảnh.

Eddie Ladoire triển khai các dự án của anh tại Unendliche Studio, hãng sản xuất của anh. Anh đặc biệt hứng thú với những âm thanh của cuộc sống thường ngày mà chúng ta nghe thấy nhưng lại không thực sự chú ý đến, đánh giá cao những tiếng ồn, thậm chí những yếu tố gây hại của âm thanh. Từ nhiều năm nay, anh phát triển loạt dự án mang tên Intimité – Sự mật thiết, trong đó anh sử dụng những đặc tính, những chất liệu âm thanh khác nhau của các kiểu kiến trúc và các thành phố.

Thông qua công việc ghi âm và sáng tác, dự án Sự mật thiết-Intimité#7 nắm bắt những thay đổi của thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, sự phát triển gấp gáp và sự mở rộng của thành phố, nhằm tiết lộ cho công chúng những bầu không khí âm thanh đã mất, được bao phủ, hay mới. Sự ô nhiễm âm thanh liệu có thể được bù đắp bằng việc quy hoạch những khoảng xanh và lối đi bộ, các khu vực để hít thở? Liệu có những không gian âm vang, không gian tĩnh lặng, trong thành phố nổi tiếng ồn ào và ầm ĩ này? Sự mật thiết-Intimité#7 cho thấy những đặc tính âm thanh hiện tại của thành phố và xác định hình ảnh âm thanh đặc trưng của nó.

Maxime Brygo

Sinh năm 1984 tại Dunkerque, Maxime Brygo tốt nghiệp khoa Nhiếp ảnh của La Cambre, Trường Quốc gia về Nghệ thuật thị giác của Bruxelles. Anh đã triển lãm tại Trung tâm Nhiếp ảnh khu vực, Bảo tàng Mỹ thuật Calais và Dự án We của Bruxelles. Anh đã đạt Giải thưởng Nhiếp ảnh của Nhà Trắng ở Marseille năm 2011 và 2012 và được hỗ trợ bởi Cơ quan Văn hóa vùng Hauts-de-France.

Maxime Brygo đặt ra câu hỏi về mối quan hệ của chúng ta với Lịch sử cũng như với những huyền thoại bằng cách khám phá một di sản còn ít được biết hoặc đang trở thành, chứa đựng những câu chuyện có thật hay truyền thuyết để xây dựng một câu chuyện tập thể. Những bức ảnh và tác phẩm sắp đặt của anh được hình thành từ những vùng đất mà anh đi qua và được nuôi dưỡng bằng cả lịch sử chính thống lẫn những câu chuyện được kể lại. Mới đây, anh đã mở rộng phương pháp chụp ảnh của mình với âm thanh và vidéo.

Maxime Brygo muốn phát triển phần 2 của Gian nhà và vật tổ, triển lãm sắp đặt hình ảnh và âm thanh về khu vực khai thác mỏ cũ nằm giữa Pháp và Bỉ. Cũng ý tưởng này nhưng lần này được thực hiện tại Việt Nam (trên một vùng trải dài từ Vũng Tàu đến gần Tây Ninh). Thách thức công việc của anh nằm ở sự gặp gỡ ngẫu nhiên của hai vùng lãnh thổ, hai dân tộc, hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ, sự tương đồng và khác biệt của chúng. Tác phẩm mời người thưởng lãm đánh giá những địa danh khác nhau và chìm đắm trong những câu chuyện mà những vùng đất này đang kể.

Myriam Dao

Myriam Dao là nghệ sĩ tạo hình và nhà nghiên cứu độc lập. Cô được đào tạo tại Trường Kiến trúc Quốc gia Paris và đã triển lãm tại Trung tâm quốc tế Récollets, Mois de la Photo-Off và ở Biennale Nhiếp ảnh Hy Lạp. Chương trình Nghệ sỹ lưu trú mang tên « Villa Médicis Hors les Murs » của Bộ Ngoại giao Pháp đã cho phép cô thực hiện dự án nghệ thuật Élévation – Lên cao, về phong cảnh của những thửa ruộng bậc thang.

Tác phẩm của cô dành chỗ cho những nền văn hóa, những câu chuyện bị bỏ lại bên lề, Cô nghiên cứu đặc biệt về mối quan hệ giữa con người với cảnh quan. Những tác phẩm mà cô tạo nên đặt câu hỏi về những biểu tượng, bản sắc và quy tắc văn hóa của toàn cầu cũng như của địa phương.

Caroline Guiela Nguyen

Nhờ đã tham gia Chương trình Nghệ sĩ lưu trú năm 2015 và 2016 của Viện Pháp tại Việt Nam, nữ đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen (nghệ sĩ khách mời của nhà hát Valence và nhà hát Odéon) và đoàn nghệ thuật Les Hommes approximatif của cô đã dựng nên vở kịch mang tên Sài Gòn. Gặt hái thành công vang dội tại Liên hoan Sân khấu Avignon năm 2017, vở kịch kể lại câu chuyện của những Việt sang Pháp vào năm 1956 và sự trở lại Sài Gòn của một vài người trong số họ vào năm 1996. Một câu chuyện Pháp – Việt dưới góc nhìn về quê hương gốc rễ của họ. Vở kịch đang trong chuyến lưu diễn quốc tế kéo dài tới năm 2019.

Những bài báo viết về nghệ sỹ này và dự án của cô. 

KillASon

KillaSon, ca sỹ nhạc rap, người làm nhạc beat và vũ công, đến Việt Nam trong khuôn khổ của French Miracle Tour 2017. Chương trình Nghệ sĩ lưu trú đã giúp anh viết và thu âm một sản phẩm âm nhạc cùng với ban nhạc rap Việt Nam 95G. Tác phẩm Pháp – Việt này đã được biểu diễn trực tiếp lần đầu tiên tại Piu Piu, sân khấu chuyên về các loại âm nhạc đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e

Đoàn múa Pháp – Bỉ t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e cũng đã được đón tiếp tại Chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon. Cùng với nữ hoàng hip-hop Việt Nam Suboi và nhạc sĩ trẻ tài năng Teddy Chilla, họ đã có một buổi trình diễn nghệ thuật độc đáo tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại “Cuộc gặp gỡ Á Âu”. Họ cũng đã thực hiện một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh.

Những bài báo viết về nhóm nghệ sỹ này và dự án của họ.

Bạn muốn biết thêm thông tin về chương trình nghệ sỹ lưu trú ?

    *Thông tin bắt buộc