Giao thoa văn hoá Pháp - Việt
Buổi nói chuyện
Giao thoa văn hoá Pháp – Việt
Diễn giả:
- ĐỖ Trinh Huệ
- TRẦN Đình Hằng
Mọi giao thoa, dù trong lãnh vực văn hóa, thuở ban đầu đều có những kích điểm đụng chạm; huống hồ trong bối cảnh chính trị, xã hội giữa các dân tộc có nhiều điểm dị biệt, hoặc mang ít nhiều tham vọng với những góc độ tiềm ẩn. Tuy vậy, các giá trị nhân văn được xem như mẫu số chung của nhân loại là chất xúc tác hàn gắn và nối kết những dị biệt, tương tác lẫn nhau, cuối cùng thành hội lưu dòng chảy, phát sinh những giá trị mới, hổ tương và tích cực.
Từ 1919, chiếc bút lông cùng với chữ “thánh hiền” không còn được trọng dụng sau 844 năm đèn sách khoa cử, chữ quốc ngữ (do nhóm truyền giáo Bồ Đào Nha, Ý khởi xướng từ thế kỷ XVII, được Alexandre de Rhodes nối tiếp, định hình và in Tự Điển Việt-La-Bồ vào năm 1651) đã dần dà đi vào trong lãnh vực giáo dục và văn học.
Với sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam, một nền giáo dục mới được tiếp cận. Trí thức Việt Nam tiếp thu những ý tưởng tích cực mới lạ và những tuyệt tác văn học của Pháp đang chiếm lĩnh một vị thế rất ngời sáng trong việc khai phóng con người. Truyện ngắn viết bằng xuôi bằng chữ Quốc ngữ theo mạch lạc tư duy ảnh hưởng văn hóa Pháp được khởi đầu vào năm 1887.
Các tác phẩm văn học khác lần lượt ra đời, được thuần nhuyễn với những tinh hoa tiếp cận, trộn lẫn, thấm nhuần thành những hội lưu văn học với những sắc thái thuần Việt. Khác nào La Fontaine đã tiếp thu Aesop của Hy-lạp và đem lại trong văn học Pháp những truyện ngụ ngôn duyên dáng; khác nào văn nghệ sĩ Pháp đã tiếp thu phong trào lãng mạn từ Anh, từ Đức, dùng nguyên từ bản xứ “romantic” , Pháp-hóa thành “romantique” mà chẳng rõ nghĩa cội nguồn, chỉ thu lấy cái cảm thức nội hàm để biến thành một nền văn học lãng mạn của riêng mình.