Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc của CHANGE
Hoàng Thị Minh Hồng tiếp tôi trong văn phòng cô ấy tại Tp. Hồ Chí Minh. Buổi nói chuyện diễn ra bằng tiếng Anh. Cô không có nhiều thời gian cho tôi. Đó là một phụ nữ rất năng động và hết mình tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường. Cô tham gia khóa đầu tiên bao gồm mười hai lãnh đạo dân sự được tuyển chọn trên toàn thế giới trong Chương trình Học giả Quỹ Obama năm 2018-2019.
« Tôi sinh ra dưới những trận mưa bom xuống Hà Nội năm 1972. Mẹ tôi được di tản xuống hầm trú bom để sinh tôi.
Tôi là một đứa trẻ rất hiếu động và năng nổ. Năm 9 tuổi, tôi tham gia vào một đoàn biểu diễn của thiếu nhi. Nhờ vậy, tôi có cơ hội đi du lịch xuyên Việt, đó là chuyện rất hiếm vào thời đó. Năm 13 tuổi, tôi đi Liên Xô để tham gia Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới, và trại hè thiếu nhi quốc tế, quy tụ những trẻ em từ các nước khắp thế giới. Tôi được chọn đi vì tôi hoạt động tích cực, và biết nói tiếng Nga.
Tôi là một người rất hòa đồng. Tôi thích chia sẻ, trao đổi với người khác. Thời thơ ấu của tôi, thường bố mẹ Việt Nam luôn sợ mọi thứ và bảo bọc con cái mình một cách quá mức. Họ cấm con cái đi chơi. Nhưng tôi thì khác, tôi rất độc lập. Ngay từ năm lên sáu, tôi đã tự xoay sở một mình.
Bố mẹ tôi muốn tôi đi học Đại học Ngoại ngữ, nơi tôi theo học tiếng Nga. Liên Xô từng là một quốc gia có đặc quyền thương mại với Việt Nam. Sau đó, tôi có học thêm tiếng Anh. Nghĩa là trong vòng năm năm tôi học cùng lúc hai ngoại ngữ. Năm 1991, lúc tôi chuẩn bị sang Liên Xô học chuyến tiếp chín tháng thì hay tin quốc gia này bị sụp đổ; nên chuyến đi của tôi bị huỷ. Ở Việt Nam, không một ai hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Làm sao một cường quốc như vậy có thể bị tan rã?
Khi tốt nghiệp đại học năm 1994, tôi làm việc cho bộ phận marketing của báo Vietnam Investment Review. Đó là tờ báo kinh doanh tiếng Anh đầu tiên của cả nước, được ra đời năm 1991 dưới sự chỉ đạo của Bộ Đầu tư. Tôi quen rất nhiều nhà báo vào thời điểm đó. Tôi thường đồng hành cùng họ và học hỏi được rất nhiều. Nhất là hiểu được sự khác nhau giữa một nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Tôi có dịp trò chuyện với những người Mỹ, người Úc, và nhiều người nước ngoài khác. Tôi cũng có cơ hội đi du lịch.
Trong những năm 90, Việt Nam mở cửa thị trường đón nhận các nguồn đầu tư nước ngoài. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sau đó là thành viên của Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Việt Nam là quốc gia đi từ ngưỡng cực nghèo đến tăng trưởng kinh tế ngày càng bền vững.
Cuối năm 1996, một người bạn cũ trong đoàn biểu diễn thời thơ ấu của tôi liên hệ tôi để tham gia vào một dự án đáng kinh ngạc: thực hiện chuyến thám hiểm ở Nam Cực với những người trẻ tuổi từ 17 đến 24 tuổi đến từ 25 quốc gia. Dự án được một người Anh khởi xướng, ông Robert Swan, ông là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã đi tới cả hai cực, Nam Cực và Bắc Cực, đi bộ mà không cần sự hỗ trợ kỹ thuật. Ông đã nhận thức được những vấn đề quan trọng do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Tôi đã tham gia vào cuộc thi tuyển chọn để trở thành một phần của dự án này và tôi đã được chọn. Tôi là người Việt Nam duy nhất tham gia vào chuyến thám hiểm này.
Bạn có thể tưởng tượng được không, từ Việt Nam đến Nam Cực! Tôi đến từ một đất nước mà thậm chí người ta không biết cắm trại; dựng lều; tôi chưa bao giờ thấy tuyết. Những hoạt động thể thao dã ngoại ngoài trời ở nước tôi hầu như không có. Tôi phải học rất nhiều. Nhưng tôi không chùn bước. Chúng tôi gặp nhau ở Ushuaia, Argentina, và cùng rèn luyện trong hơn 2 tuần để sống trong cái lạnh khủng khiếp, học cách nhóm lửa bằng cách cọ sát hai thanh gỗ, học những phản xạ để sinh tồn. Đối với tôi, đó là một thử thách rất lớn. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Chúng tôi không có Internet, tôi không biết gì về vùng địa cầu này.
Chúng tôi khởi hành đầu năm 1997 để đến Nam Cực. Đó là một chuyến thám hiểm phi thường đồng thời cũng là một trải nghiệm khó khăn. Chúng tôi lên một chiếc tàu phá băng Nga. Đó là lần đầu tiên có một chuyến phiêu lưu địa cực được tổ chức cho những bạn trẻ không có kinh nghiệm. Chúng tôi được tuyển chọn không phải dựa trên kết quả học tập ở trường. Mà phần lớn nhờ vào tính cách và lòng nhiệt huyết của chúng tôi.
Tôi không có bất kỳ khái niệm nào về sự nóng lên toàn cầu và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Ở đó, tôi thấy băng tan. Chúng tôi đi cùng với nhiều nhà khoa học, họ giải thích cho chúng tôi về hiện tượng mực nước biển dâng cao và mối liên hệ với các quốc gia của chúng tôi. Đặc biệt là Việt Nam. Tôi khám phá ra một môi trường hoàn toàn hoang dã, không khí trong lành làm sao. Không có ô nhiễm. Thật tuyệt vời. Và chính trong bối cảnh đó, chúng tôi hiểu rằng mình cần bảo vệ trái đất và sự sống hoang dã. Tôi đã có cơ hội gặp Robert Swan, một nhân vật rất truyền cảm hứng. Ông đã thuyết phục tôi hành động để làm cho hành tinh này trở thành một nơi đẹp đẽ hơn. Trước đây, đối với tôi những điều này rất trừu tượng. Nhờ vào chuyến thám hiểm này, mọi thứ đối với tôi bây giờ trở nên rõ ràng hơn nhiều. Mọi người phải chung tay bảo vệ môi trường. Đó không phải là việc chỉ dành cho giới tinh hoa. Nó liên quan đến tất cả chúng ta và mỗi chúng ta đều có vai trò của mình.
Chuyến đi này đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của tôi. Không có gì sẽ giống như trước đây nữa.
Tôi cảm thấy mình mang một sứ mệnh rất quan trọng. Khi về nước, tôi trở thành người nổi tiếng! Tôi đã tạo dáng trong trang phục áo dài với quốc kỳ Việt Nam ở Nam Cực. Bức ảnh đã được đăng trên khắp các mặt báo ở Việt Nam.
Tôi nghỉ việc ở tòa soạn báo. Tôi tìm một tổ chức bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhưng không tìm thấy. Tôi chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh sống. Vào những năm đó, chỉ khoảng vài trăm người có kết nối Internet; thời điểm đó rất khó để đăng nhập và đặc biệt tốn kém. Tôi đã đi khắp nơi và thực hiện khoảng 50 buổi nói chuyện trong suốt hai năm để tuyên truyền về những hậu quả của sự nóng lên toàn cầu và trên hết là bảo vệ môi trường, hệ động vật và thực vật. Tôi đã huy động được những bạn trẻ tham gia các hoạt động môi trường như dọn sạch các bãi biển. Trong những năm đó, tôi làm công việc dịch thuật để kiếm sống.
Năm sau đó, sáu thành viên thuộc chuyến thám hiểm đến Việt Nam và chúng tôi bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức trong các trường học và nhất là trường đại học. Nhờ vào mạng lưới các nhà báo mà tôi quen được, chúng tôi đã tạo ra được một số tác động. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tình nguyện liên hệ tôi để xin tham gia.
Những năm tiếp theo, tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế có mục tiêu là xoá đói giảm nghèo. Năm 2002, tôi đi Nam Phi theo lời mời của Robert Swan để tham dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về phát triển bền vững. Tôi gặp lại nhiều bạn bè, thành viên cũ của chuyến thám hiểm.
Trở về, tôi làm việc cho WWF (World Wildlife Fund), tôi phụ trách truyền thông trong bảy năm. Tôi ở Hà Nội. Họ đã dạy tôi mọi thứ về động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta và các loài nguy cơ nhất. Kinh nghiệm này rất bổ ích, tôi có thể dẫn chứng và lập luận bằng những ví dụ rất cụ thể. Tôi đã phát động nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường trên toàn quốc dưới sự dẫn dắt của WWF.
Năm 2009, tôi trở lại Tp. Hồ Chí Minh sinh sống cùng chồng và con trai. Tôi tìm một tổ chức phi chính phủ về môi trường để xin làm. Không thành công. Không có một tổ chức nào! Cũng năm đó, tôi quay lại Nam Cực với một vài người Việt Nam, họ là những doanh nhân, những người có tầm ảnh hưởng, họ tự chi trả cho chuyến thám hiểm của mình. Tôi cần phải cho họ thấy đã đến lúc hành động.
Năm 2013, tôi lập ra một tổ chức phi chính phủ của mình mang tên CHANGE (Center of Hands-On Actions and Networking for Growth and Environment). Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tập trung vào việc bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi mở một văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh và hợp tác cùng tổ chức phi chính phủ Mỹ WildAid. Chúng tôi định hướng các chiến dịch xoay quanh việc bảo vệ ba loài động vật nguy cấp nhất: tê tê, tê giác và voi. Ở Trung Quốc và Việt Nam, vảy tê tê thường được sử dụng trong Đông Y, được cho là có tác dụng chữa khỏi bệnh. Loài vật này cũng được săn lùng để lấy thịt và hiện nay chúng là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở châu Á và châu Phi.
Còn đối với tê giác, sừng của chúng thường được nghiền thành bột, rất được ưa chuộng ở châu Á. Người Việt Nam tin rằng sừng tê giác chữa trị được ung thư và nó có tác dụng cường dương. Nhu cầu lớn ở Việt Nam thật sự làm bùng nổ nạn buôn bán sừng tê giác trong thập kỷ qua. Nạn săn voi trái phép ở châu Phi gia tăng là do nhu cầu ở châu Á về ngà voi, thường được sử dụng trong trang trí nhà cửa và làm trang sức. Ngà voi thường được mua với giá rất cao.
Các chiến dịch của chúng tôi có tác động đáng kể, trong đó có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, các doanh nhân, cũng như các nhân vật Phật giáo có tầm ảnh hưởng. Chúng tôi làm việc cùng các cơ quan truyền thông quốc tế có uy tín nhằm phát động những chiến dịch mạnh mẽ.
Mục tiêu của chúng tôi? Giới trẻ. Tuổi trẻ là thời điểm tốt để bạn học hỏi, tiếp thu vì bạn không cứng nhắc. Những người trẻ luôn ham muốn hiểu biết, họ cởi mở. Chúng tôi cũng đi đến các vùng nông thôn, chúng tôi có các tình nguyện viên ở các tỉnh. Tôi tin rằng một bộ phận người dân ý thức được vấn đề, nhưng chúng tôi phải thuyết phục được các nhà cầm quyền bằng các căn cứ vững chắc trong những hoạt động của chúng tôi.
Các doanh nhân bắt đầu nhận ra tác động của ô nhiễm không khí trong những thành phố lớn. Ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ ô nhiễm tăng cao đáng kể, và Hà Nội ngày càng bị chỉ trích vì điều này. Ở các công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam, vấn đề này có thể là rào cản cho việc chuyển đến làm việc của một số gia đình coi trọng chất lượng cuộc sống. Dẫn đến việc tuyển nhân sự gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như ở Ấn Độ. Nhiều người nước ngoài từ chối đến sống và làm việc ở một số thành phố nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao kỷ lục.
Tôi dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm quỹ cho các dự án môi trường. Tại CHANGE tôi có một đội ngũ tuyệt vời đứng sau và họ ủng hộ tôi. Đặc biệt, tôi vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 2019 của tạp chí FORBES.
Khi tôi được chọn tham gia vào khóa học giả đầu tiên của Quỹ Obama, điều này củng cố niềm tin về những lựa chọn của tôi. Trong vòng gần một năm, tôi tham gia các lớp học tại trường Đại học Columbia ở New York. Chúng tôi bao gồm 12 người từ 12 quốc gia có những tính cách khác nhau từ xã hội dân sự làm việc vì những mục tiêu khác nhau. Chúng tôi đã đề cập đến nhiều chủ đề ở phạm vi trên toàn thế giới và chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ đều được kết nối với nhau.
Tôi dần nhận thấy sự thay đổi trong cách suy nghĩ của người Việt Nam. Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời để nâng cao nhận thức. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi.»
Xem thêm các tác phẩm khác của triển lãm “Chân dung phụ nữ”
- Chị Dậu – Tác giả Nguyễn Kim Nhi
- Chị Quyền – Tác giả Nguyễn Thị Thùy Trân
- Chợ cá Vinh Hiền – Tác giả Đỗ Minh Hoàng
- Con của mẹ – Tác giả Trần Vũ Minh Phúc
- Ghé chợ Đông Ba – Tác giả Nguyễn Ngọc Duy
- Lửng lơ – Tác giả Nguyễn Vĩnh Anh Khoa
- Năm nhất trường Kiến – Tác giả Nguyễn Trung Tín
- Ngộ – Tác giả Nguyễn Ngọc Hải
- Ngôi chùa Hiền Lương – Tác giả Lê Thị Mộng Thu
- Nội – Tác giả Nguyễn Mạnh Quân
- Phụ nữ ở xóm Bờ Hồ – Tác giả Nguyễn Anh Tuấn
- Phụ nữ và hoa giấy Thanh Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiến
- Rời xa ánh đèn sân khấu – Tác giả Lã Khắc Khuê
- The breath of dance – tác giả Lê Đặng Ngọc Bích
- Thị – Tác giả Nguyễn Đức Hùng