Mai và Thoa, công nhân nhà máy sản xuất giày tại Đồng Nai
Nguyễn Thị Mai và Vũ Thị Hoài Thoa làm công nhân trong một nhà máy sản xuất giày Nike. Cả hai đều từ miền Bắc vào sinh sống và định cư cùng gia đình tại Đồng Nai, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhà máy có hơn 7000 nhân viên (trong đó có khoảng 6000 công nhân). Tôi gặp cả hai vào một buổi sáng chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất của họ trong tuần.
Nguyễn Thị Mai : « Tôi sinh ra ở Ninh Bình trong một gia đình có 5 người con. Gia đình tôi làm việc ở quê. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Năm 18 tuổi, tôi vào Nam, sống cùng gia đình chồng. Tôi có hai con gái, cháu lớn 14 tuổi, cháu nhỏ7 tuổi; chồng tôi cũng làm việc tại nhà máy Nike. Chúng tôi mua được một mảnh đất nhỏ và đã xây nhà riêng.
Khi tôi học hết cấp ba và thi đại học thì một người bạn nói với tôi về điều kiện làm việc thuận lợi ở miền Nam. Khi mới vào đây, tôi làm việc cho một cửa hàng bán cây cảnh. Tôi kiếm được 16 000 đồng mỗi ngày. Sau đó, tôi làm việc cho các xưởng may tư nhân. Sau 6 tháng, tôi vào làm cho một nhà máy sản xuất giày ở Biên Hòa, lương tháng của tôi là 680 000 đồng. .
Tôi kiếm được việc làm công nhân tại nhà máy giày Nike năm 2004. Tôi đi làm từ thứ Hai đến thứ Bảy, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tại bộ phận dây chuyền sản xuất, tôi chuẩn bị keo dán cho những đôi giày. Tôi được nghỉ 1 tiếng để ăn trưa và giải lao hai lần 5 phút vào buổi sáng và buổi chiều. Tôi ở cuối dây chuyền để kiểm tra keo có bị chảy ra ngoài hay không, nếu có thì tôi dùng máy để làm sạch. Keo thỉnh thoảng gây kích ứng da nhưng ngoài ra thì tôi không có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe. Chúng tôi sản xuất khoảng 1000 đến 2000 đôi giày mỗi ngày. Thu nhập hàng tháng của tôi là 7 triệu đồng cộng thêm tháng 13. Tôi đưa các con đến trường trước đi làm, , chồng tôi hoặc ông nội các cháu đón các con tôisau giờ học. Cả hai cháu đều ở bán trú. Lương của hai vợ chồng đủ để trang trải tiền học và tiền ăn. Nhưng chúng tôi không có dư để tiết kiệm. Tôi không muốn các con có cuộc sống như mình. Tôi muốn các cháu được đi học.
Chuyển lên sống ở Sài Gòn ư? Chắc chắn là không! Tôi có người bác sống ở quận 6, đó là một thành phố ngột ngạt và cuộc sống đắt đỏ hơn rất nhiều.
Tôi có cuộc sống tốt hơn mẹ tôi, bà làm nông. Người nông dân miền Bắc sống rất vất vả, phải dầm chân trong nước lạnh cóng khi cấy lúa, rồi chỉ cần một cơn bão cũng đủ phá hủy cả một mùa lúa… Mùa hè, trời oi bức đến mức tôi từng nhìn thấy cá chết dưới sông. Tôi từng phụ mẹ và tôi hiểu được cuộc sống của bà vất vả đến nhường nào.
Trong gia đình, tôi giữ vai trò quan trọng hơn chồng tôi. Anh rất tốt và biết lắng nghe. Bây giờ mọi thứ rất khác so với trước đây. Ngày xưa, người vợ phải vâng lời chồng mình. Ngày nay, tôi có thể tự đưa ra quyết định mà thế hệ mẹ tôi không được như vậy. Tôi rất vui khi làm việc và tự kiếm được tiền.
Vũ Thị Hoài Thoa : « Tôi quê ở Hải Dương, nhưng khi tôi 9 tuổi, bố mẹ tôi quyết định vào Nam kiếm việc.
Tôi có hai con gái, 6 tuổi và 2 tuổi. Chồng tôi ở rể.
Tôi có đi học nhưng tôi bỏ ngang trước khi học hết cấp ba, bởi vậy tôi không thể học đại học. Tôi có theo học một khóa kế toán, nhưng tôi không đạt được kết quả yêu cầu để được học tiếp. Tôi đăng ký thực tập tại một nhà máy may mặc Hàn Quốc và vào năm 2013, tôi vào làm việc tại nhà máy Nike.
Tôi bắt đầu một ngày làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 4 giờ 30 chiều. Công việc của tôi là dán một miếng nhựa bảo vệ lên phần trước của đôi giày. Tôi đeo khẩu trang y tế để tránh khói bụi và mùi hôi. Tôi thường xuyên bị đau lưng, mặc dù tôi có thể ngồi hoặc đứng lên tùy ý. Tôi kiếm được từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng.
Chồng tôi cũng làm việc ở nhà máy, anh ấy đưa các con đến trường và đón các cháu buổi chiều. Cháu nhỏ nhất học mẫu giáo ở nhà trẻ thuộc nhà máy Nike. Những gì tôi kiếm được tôi đều dành cho các con tôi. Tất nhiên, tôi biết mình sống khá hơn thời ba mẹ tôi. Khi mới vô Nam, mẹ tôi phải đi mò cua bắt óc để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Tôi chia sẻ mọi thứ với chồng. Cả hai cùng lao động, tôi cảm thấy mình bình đẳng với anh ấy, không có sự khác biệt nào giữa hai chúng tôi.
Lưu Thị Nguyên, người bán hàng rong ở TP.HCM
Lưu Thị Nguyên bán hàng rong tại phường An Phú. Cô dựng chiếc xe đẩy bán hàng của mình trên một con phố rất nhộn nhịp. Tôi gặp cô ấy trên vẻ hè, cô vừa pha nước cam cho khách vừa trò chuyện với tôi.
« Tôi sinh năm 1982 ở tỉnh Hà Tây, giáp với Hà Nội. Bố tôi từng làm bộ đội và mẹ tôi là nông dân. Tôi là con gái duy nhất trong 5 người con, tôi có hai anh trai và hai em trai. Tôi rất ít khi thấy mặt bố khi còn nhỏ vì ông ở trong quân đội và thường xuyên đi công tác. Tôi sống với mẹ, bà làm ruộng. Bà luôn bận rộn nên không quan tâm đến việc học của các con mình. Tôi nghỉ học từ năm học lớp hai, tôi ở nhà chăm sóc em trai khi mẹ tôi đang làm việc. Tôi cũng phụ mẹ chăn trâu, bò. Tôi cũng hay làm đỡ mẹ những công việc đồng áng.
Khi đến tuổi lao động, tôi muốn tìm việc trong một nhà máy nhưng tôi không có bất kỳ bằng cấp nào. Tôi kết hôn năm 24 tuổi với một nông dân làng bên. Ở quê, người ta thường kết hôn sớm, khoảng 19-20 tuổi.
Tôi vô Sài Gòn vào tháng 6 năm 2015. Hai anh trai tôi đã sống ở đây. Tôi chuyển đến sống ở Quận 8 và bán đĩa CD. Thời đó, có rất ít người bán nước trái cây trên phố. Một người bạn nói với tôi công việc này có thể giúp tôi kiếm nhiều tiền hơn. Vì thế tôi quyết định chuyển sang Quận 2, khu An Phú, để bán nước trái cây và trà. Tôi mua chiếc xe đẩy này từ một cô bán hàng rong khác đã về lại quê.
Từ vài tháng nay, nhiều người bán nước trái cây khác cũng đến bán hàng trên cùng con phố.
Mỗi ngày, tôi mua 50 ký cam. Cứ 1 ký cam thì vắt ra được một ly nước cam không đá. Thông thường, tôi chuẩn bị sẵn những ly nước cam rất nhiều đá và rất ngọt để bán cho khách. Với sự cạnh tranh, thu nhập của tôi có thể bị giảm đi. Nó còn phụ thuộc vào giá cam. Tôi bán 10 000 đồng một ly nước cam. Trong nhà hàng, một ly như thế này giá khoảng 40 hoặc 45 000 đồng. Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 200 000 đến 300 000 đồng, nhưng trong thời gian Tết và khi trời nóng, vào tháng Hai tháng Ba, giá cam quả rất đắt. Anh trai tôi là người mua cam ở chợ Bình Điền, bên Quận 8. Cam ở đây được chuyển lên từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi ngày, tôi rời khỏi nhà lúc 6 giờ sáng và bắt đầu bán trên vỉa hè lúc 6 giờ 30. Tôi thuê nhà ở khu phòng trọ cho những người lao động tự do như tôi.
Buổi sáng tôi bán được nhiều nhất, khi mọi người đi làm. Họ dừng xe máy để mua, khách thường là những người công nhân xây dựng, hoặc tài xế lái thuê.
Tôi có hai con gái sinh năm 2006 và năm 2012. Hai cháu ở quê với bố và bà nội. Khi mới vô Sài Gòn, cả chồng và con gái đầu của tôi đều đi cùng. Nhưng sau khi đứa con gái thứ hai ra đời, chồng tôi quyết định về quê cùng hai con để chăm sóc bố mẹ giờ đã ngoài 80 tuổi.
Tại sao tôi vô Sài Gòn? Ở Hà Nội có rất ít việc làm, ngay cả khi bạn có bằng cấp. Ai cũng biết ở miền Nam có nhiều việc làm hơn. Ngoài Hà Nội, người ta không hay mua nước cam ngoài đường, họ tự làm. Hơn nữa, tôi không quen ai ở ngoài đó, trong khi hai anh trai tôi đều đang sống ở Sài Gòn. Tôi chuyển sang bán ở Quận 2 vì đã có quá nhiều người bán nước cam bên Quận 8. Ở đây tôi bán rất chạy. Tôi có nhiều khách hàng thường xuyên ghé mỗi ngày để mua một ly hoặc một chai nước cam.
Hằng năm, tôi đều về quê ăn Tết. Tôi thường ở lại một tháng, giúp gia đình cấy lúa. Năm ngoái, tôi đón con vào đây chơi. Chúng nó thích lắm! Mới 12 tuổi và 6 tuổi mà cả hai cháu đi xe buýt giường nằm để vào thăm mẹ, các cháu đi cùng với một người anh họ. Hai đứa có quen bác tài xế xe buýt, ông giúp tôi để mắt đến chúng. Nhưng tôi không thể đón con vào với tôi mỗi năm được vì quá tốn kém.
Tất nhiên tôi có nhớ gia đình nhưng không có lựa chọn nào khác; tôi không có học vấn. Nhưng tôi không phàn nàn về chuyện đó, công việc của tôi không vất vả. Tôi không phải mang vác nặng nhọc.
Khi dành dụm được tiền, tôi gửi ngay về cho gia đình. Hai con gái tôi đi học trường công. Tiền gửi về để đóng học phí. Trước đây, trường công lập được miễn phí ở Việt Nam. Bây giờ phải trả học phí và căng tin.
Ở chỗ trọ, tôi ít sử dụng điện nước vì tôi ở ngoài cả ngày và về nhà muộn vào buổi tối. Tôi muốn tiết kiệm hết mức có thể.
Lúc ốm đau? Tôi không có bất kỳ bảo hiểm y tế nào cho bản thân cũng như cho con cái. Có lần bị đau lưng, tôi đi khám bệnh và phải trả 800 000 đồng gồm tiền khám và tiền thuốc. Đó là số tiền rất lớn nên tôi không được ngã bệnh, nếu có thì tôi thường tự mua thuốc uống.
Nếu có nhiều tiền tôi sẽ cố gắng sao cho các con mình được đi học lâu nhất có thể. Tôi không muốn chúng làm những công việc như tôi hoặc sống vất vả; con gái đầu tôi học rất khá. Cháu nó vừa thi học sinh giỏi văn năm ngoái. Hy vọng cháu có thể đi học được càng lâu càng tốt.
Gia đình giục tôi sinh con trai vì ở Việt Nam quan trọng là phải có con trai. Tôi đã vất vả để chu cấp cho hai cháu gái ăn học! Tôi không đủ khả năng để nuôi thêm một miệng ăn nữa.»
Xem thêm các tác phẩm khác của triển lãm “Chân dung phụ nữ”
- Chị Dậu – Tác giả Nguyễn Kim Nhi
- Chị Quyền – Tác giả Nguyễn Thị Thùy Trân
- Chợ cá Vinh Hiền – Tác giả Đỗ Minh Hoàng
- Con của mẹ – Tác giả Trần Vũ Minh Phúc
- Ghé chợ Đông Ba – Tác giả Nguyễn Ngọc Duy
- Lửng lơ – Tác giả Nguyễn Vĩnh Anh Khoa
- Năm nhất trường Kiến – Tác giả Nguyễn Trung Tín
- Ngộ – Tác giả Nguyễn Ngọc Hải
- Ngôi chùa Hiền Lương – Tác giả Lê Thị Mộng Thu
- Nội – Tác giả Nguyễn Mạnh Quân
- Phụ nữ ở xóm Bờ Hồ – Tác giả Nguyễn Anh Tuấn
- Phụ nữ và hoa giấy Thanh Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiến
- Rời xa ánh đèn sân khấu – Tác giả Lã Khắc Khuê
- The breath of dance – tác giả Lê Đặng Ngọc Bích
- Thị – Tác giả Nguyễn Đức Hùng