Trần Lan Anh, bác sĩ nhi tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa
Trần Lan Anh đã theo đuổi lý tưởng của mình: 13 tuổi, cô biết được sau này công việc của cô là ở bên cạnh trẻ sơ sinh. Xuất thân trong một gia đình nghèo ở miền Bắc, Trần Lan Anh đã đặt can đảm và nghị lực vào ước muốn chăm sóc cho các trẻ nhỏ bằng việc luôn đạt kết quả học tập xuất sắc. Nhờ vậy, cô được vào làm việc tại Khoa Hồi sức Nhi-Sơ sinh (Neonatal Intensive Care Unit – NICU) tại bệnh viện đa khoa Nha Trang.
« Tôi sinh ngày 3 tháng 12 năm 1980 tại một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Việt Nam. Ba mẹ tôi đều làm nông. Ngày ấy, cuộc sống còn rất khó khăn. Khi tôi 10 tuổi, chúng tôi đã quyết định chuyển tới Khánh Hòa định cư tại một ngôi làng trên núi. Tuổi thơ cũng như quãng đời học sinh của tôi gắn liền với nơi ấy. Trường tôi có rất ít học sinh. Ở Việt Nam, nơi tôi ở được coi là vùng sâu vùng xa.
Buổi sáng, tôi đi học còn buổi chiều tôi phụ ba mẹ làm việc để nuôi gia đình. Ở nông thôn, trẻ con bắt đầu lao động chân tay từ rất sớm. Công việc của tôi là nhổ cỏ trên các cánh đồng thuốc lá và ruộng mía. Ngoài ra tôi cũng hốt phân bò để bán cho những nhà làm nông cần phân bón. Gia đình tôi tất cả bảy anh chị em. Khi tôi cùng hai anh trai ra ngoài làm việc thì một người anh khác ở nhà lo cho các anh chị em còn lại.
Ở trường, càng lên lớp thì số lượng học sinh càng ít. Hồi học lớp 6, chúng tôi có 40 người thì lên lớp 9, chúng tôi chỉ còn có 20 người vì hầu hết các bạn phải bỏ học để đi làm đồng.
Trong hoàn cảnh đó, ba mẹ tôi lại không nghĩ giống những người khác. Họ nói với tôi rằng càng nghèo thì càng phải đi học. Ba mẹ động viên tôi rất nhiều trong suốt quá trình học để tôi không phải lỡ dở.
Ký ức sâu đậm thời thơ ấu là nuôi dưỡng lý tưởng của tôi. Cái ngày mà mẹ tôi chuẩn bị sinh em gái tôi, bà bảo tôi cầm đèn dầu đi tìm y tá giữa đêm khuya. Tôi mặc vội áo mưa đi tìm bà đỡ. Rồi khoảnh khắc mà em gái tôi chào đời, bà đỡ bảo tôi đỡ lấy đứa bé vẫn còn vương đầy máu và nhau thai, rồi giải thích với tôi rằng mẹ đã mất rất nhiều máu và cần được nghỉ ngơi. Tôi cần phải lo cho em. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Nhưng tôi biết rằng, giây phút tôi đón em mình vào lòng, tôi sẽ làm một công việc liên quan đến trẻ sơ sinh. Khi ấy tôi 13 tuổi và sự kiện ấy là dấu mốc mở đầu cho sự nghiệp của tôi sau này.
Khi tôi học cấp 3, tôi nhanh chóng hiểu rằng kiến thức học được ở trường làng không đủ để tôi đậu trường đại học y. Tôi đã phải học rất vất vả để bắt kịp. Và tôi đã thành công: năm 1998, tôi đậu trường Đại học Y Dược Huế thông qua xét tuyển mà không cần thi đại học. Trong suốt 6 năm, tôi luôn phải kiếm tiền để trang trải việc học. Ba mẹ tôi đương nhiên không có khả năng chi trả. Tôi cũng được học bổng, nhưng khoản tiền đó không đủ. Buổi sáng, tôi thực tập ở bệnh viện cho biết việc ; buổi chiều, chúng tôi có giờ lý thuyết ; và buổi tối thì tôi đi trực. Trong vòng ba năm đầu tiên, tôi làm gia sư cho các bạn sinh viên. Vấn đề năm ở chỗ, khi họ phải ôn thi thì tôi cũng vậy. Tôi thật sự không biết xoay sở thế nào. Cuối cùng, tôi quyết định ưu tiên việc đi dạy tiếng Anh, việc này vừa giúp tôi luyện tiếng và kiếm tiền, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến việc học.
Năm 2004 tôi có bằng bác sĩ đa khoa.
Năm 2021, tôi theo học Thạc sĩ chuyên khoa Nhi tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời tôi làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và lấy bằng vào năm 2013.
Khi tôi còn học bác sĩ đa khoa, tôi thường không kìm được mà đi tới khoa Nhi. Tôi bị thu hút bởi ánh mắt của những đứa trẻ sơ sinh. Tôi muốn hiểu hơn về hành vi của các bé. Đa số các bạn cùng lớp tôi không hiểu những phản ứng của những đứa trẻ sơ sinh và thường cảm thấy lực bất tòng tâm trước sự đau đớn của chúng. Nhưng tôi thì khác. Tôi cảm thấy mình thuộc về những sinh linh bé nhỏ mà tôi có thể dễ dàng hiểu được này. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc điều trị trẻ sinh non.
Năm 2014, tôi có cơ hội được tới Pháp tham gia khóa tập huấn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh cũng như theo dõi trẻ có nguy cơ dị tật cao. Khóa tập huấn diễn ra tại bệnh viện Bretagne Sud de Lorient. Tại đây, tôi nhận thấy việc điều trị cho trẻ khuyết tật rất khác so với cách làm ở Việt Nam và tôi nhận ra rằng tất cả đều nhằm mục đích giúp cho trẻ sống một cách bình thường nhất có thể. Các bé được hòa nhập và tham gia vào các hoạt động xã hội. Khi trở về, tôi thấy vô cùng đồng cảm với những bà mẹ có con khuyết tật bởi họ vừa phải làm việc, vừa phải lo cho con mình.
Ở Việt Nam, tình trạng thiếu bác sĩ nhi và nhân viên y tế khoa nhi dẫn đến việc không có đủ người chăm sóc cho trẻ có nguy cơ khuyết tật cao. Bởi vậy khi trở về, tôi đã dốc toàn bộ sức lực của mình để trẻ em được điều trị sớm nhất có thể bởi sau 2 năm tuổi sẽ là quá muộn.
Tháng bảy năm 2014, bệnh viện Bretagne Sud và bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã ký một thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai chương trình theo dõi trẻ có nguy cơ khuyết tật cao trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ ở Lorient để thực hiện chương trình này.
Tôi cũng có hai con với độ tuổi chênh lệch khá nhiều: con gái tôi 14 tuổi còn con trai thì 1 tuổi. Tôi đã nuôi con đầu lòng một các hết sức bản năng. Với đứa thứ hai, tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn. CŨng như bao bà mẹ Việt Nam khác, tôi rất bảo bọc con mình, tôi luôn muốn con ở bên mình nhiều nhất có thể.
Trước khi sinh con gái, tôi nhận thấy phản ứng của các bà mẹ mà tôi gặp ở nơi làm việc có phần thái quá. Họ rất hay lo lắng. Lúc nào cũng làm quá. Và rồi giờ tôi đã hiểu: từ khi làm mẹ, thôi đã thay đổi cách nhìn hoàn toàn.
Thế nào là làm mẹ? Tôi tin rằng đó là bản năng. Làm mẹ là điều hết sức tự nhiên. Chính con cái sẽ dạy ta cách làm mẹ. Ta trở thành mẹ kể từ giây phút ta đón con vào lòng. Chính bản năng làm mẹ đã quyết định những lựa chọn và và hành vi của người mẹ. Hơn tất cả điều khiến chúng ta trở thành người mẹ nằm ở trách nhiệm bảo vệ mà ta tự cảm thấy mình cần gánh vác. »
Mối quan hệ mẫu tử đã phát triển như thế nào trong 20 năm qua ở Việt Nam? Có sự khác biệt nào giữa thành phố và nông thôn hay không?
Đã có rất nhiều thay đổi và đương nhiên các gia đình thành thị sẽ khác cá gia đình ở nông thôn.
Trước đây, khi một người mẹ sinh con, cô ấy phải sống cùng gia đình chồng. Đứa bé được cả gia đình bảo bọc, từ ông bà, cô chú, v.v. Ngày nay, ở thành phố, gia đình hiện đại được thu hẹp trong mối quan hệ của cặp vợ chồng và con cái họ. Họ thường sống trong các căn hộ và phụ nữ cũng đi làm. Sau kỳ nghỉ thai sản (6 tháng đối với công chức, từ 2 đến 4 tháng đối với công ty tư nhân), họ gửi con cho vú nuôi hoặc cho chính mẹ mình trông.
Ở các gia đình khá giả, ta nhận thấy tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ hoặc tăng động khá cao, đặc biệt là ở thành phố. Bà mẹ của các gia đình này thường cho rằng vai trò của họ dừng lại ở việc sinh ra đứa trẻ chứ không bao gồm cả nuôi dạy chúng. Họ thường gửi gắm con mình cho bảo mẫu. Họ sống trong một xã hội trọng ngoại hình nơi người phụ nữ luôn phải đẹp và thon thả. Mối liên kết giữa mẹ và con đôi khi còn không tồn tại.
Ở nông thôn, mối quan hệ này vẫn còn ít nhiều nét truyền thống. Trẻ con sống và tiếp xúc với cả ông bà, ba mẹ lẫn hàng xóm. Nhưng dù là ở nông thôn, trẻ con ngày nay dành rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình chứ không còn vui chơi bên ngoài như trước đây.
Những người mẹ “di cư kiếm sống” thì sao ?
Tôi biết có những trường hợp như vậy ở làng tôi. Các bà mẹ rời xa gia đình lên thành phố kiếm việc và để con cái lại cho ông bà trông. Một cách tự nhiên, đứa trẻ không được hưởng tình thương của mẹ và các bà mẹ cũng rất khổ tâm về điều này. Tại Việt Nam, các nhà máy thường bố trí nhà trẻ và trường học ở ngay gần để các gia đình sinh hoạt thuận tiện hơn. Khi đứa trẻ lên 3, các bà mẹ có thể đưa con đến nhà trẻ của nhà máy. Đó cũng là thời điểm đứa trẻ trở nên lạc lõng. Nó vừa không còn được bao bọc bởi ông bà nữa, nhưng cũng không được ở gần mẹ bởi mẹ còn bận làm việc cả ngày.
Vậy vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái là gì?
Trước đây, người cha là trụ cột kinh tế của gia đình, việc nuôi dạy con cái và chăm lo nhà cửa thuộc về người mẹ. Tình trạng này có thay đổi, nhưng tùy theo nơi sinh sống ở miền Bắc hay miền Nam. Ở miền Bắc, những quan niệm truyền thống rất được coi trọng và nhiều thế hệ vẫn còn chung sống dưới một mái nhà, người cha luôn cho rằng nuôi dạy con cái là trách nhiệm của người mẹ.
Ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, người cha ngày một tham gia vào việc nuôi dạy con cái. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu trong khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình gia đình nhỏ đang dần thay thế mô hình gia đình nhiều thế hệ truyền thống của Việt Nam.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã giúp cho hệ thống chăm sóc sức khỏe có những cái thiện đáng kể tại Việt Nam. Việc theo dõi sức khỏe của thai phụ được tiến hành như thế nào? Các bà mẹ có chung cách làm không ?
Có 2 hệ thống theo dõi sức khỏe của phụ nữ mang thai: đó là hệ thống nhà nước và hệ thống tư nhân. Trong hệ thống nhà nước, mỗi ngôi làng sẽ có một trung tâm y tế với một bác sĩ và y tá chuyên theo dõi sức khỏe sinh sản. Nhưng ở đó không có đủ cơ sở vật chất cần thiết và không có dụng cụ để siêu âm nên không thể phát hiện được những bất thường hay dị tật của thai nhi. Chưa kể là phụ nữ các dân tộc thiểu số thường muốn sinh con tại nhà, giữa người thân của họ chứ không muốn tới trạm xá. Bởi vậy y tá thường tới tận nhà họ để đỡ đẻ.
Có những biện pháp tránh thai nào? Trẻ vị thành niên có được học các lớp giáo dục giới tính không?
Có, giáo dục giới tính được dạy ở trường học cho trẻ từ 14 tuổi. Thời tôi đi học thì chưa có chương trình này. Tại các trung tâm y tế, kế hoạch hóa gia đình dạy cho các bạn trẻ biết cách tránh thai. Ở Việt Nam, có rất nhiều bé gái mới 14 hay 15 tuổi đã có thai. Tình dục là đề tài cấm kỵ trọng các gia đình Việt. Thường thì các bé gái có thai mà không hề hay biết rồi tới trung tâm y tế để phá thai khi đã được 24 đến 25 tuần tuổi. Khi ấy đã quá muộn. Việc phá thai là không thể. Khi đó cha mẹ họ, vì sợ mất mặt với hàng xóm láng giềng, sẽ đưa con đi sinh ở một trạm xá thật xa. Họ đợi cho tới khi đứa bé đủ lớn, thường là khi được khoảng 2 đến 3 tuổi, rồi mới cho phép 2 mẹ con về nhà.
Xem thêm các tác phẩm khác của triển lãm “Chân dung phụ nữ”
- Chị Dậu – Tác giả Nguyễn Kim Nhi
- Chị Quyền – Tác giả Nguyễn Thị Thùy Trân
- Chợ cá Vinh Hiền – Tác giả Đỗ Minh Hoàng
- Con của mẹ – Tác giả Trần Vũ Minh Phúc
- Ghé chợ Đông Ba – Tác giả Nguyễn Ngọc Duy
- Lửng lơ – Tác giả Nguyễn Vĩnh Anh Khoa
- Năm nhất trường Kiến – Tác giả Nguyễn Trung Tín
- Ngộ – Tác giả Nguyễn Ngọc Hải
- Ngôi chùa Hiền Lương – Tác giả Lê Thị Mộng Thu
- Nội – Tác giả Nguyễn Mạnh Quân
- Phụ nữ ở xóm Bờ Hồ – Tác giả Nguyễn Anh Tuấn
- Phụ nữ và hoa giấy Thanh Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiến
- Rời xa ánh đèn sân khấu – Tác giả Lã Khắc Khuê
- The breath of dance – tác giả Lê Đặng Ngọc Bích
- Thị – Tác giả Nguyễn Đức Hùng