Phạm Linh Đan, nữ diễn viên người Pháp gốc Việt
Điện ảnh mở rộng vòng tay đón cô từ rất sớm: năm 17 tuổi, Phạm Linh Đan đã có vai diễn đầu tiên. Một vai chính đầu tiên, vai Camille, con gái nuôi của Catherine Deneuve trong bộ phim Đông Dương và đã giúp cô có được đề cử giải Cesar cho nữ diễn viên triển vọng. Nhưng phải đợi thêm vài năm để Phạm Linh Đan xác định điều gì phù hợp với mình và cống hiến mỗi ngày. Được thừa hưởng từ hai nền văn hóa Pháp Việt, cô có được sức mạnh và sự khéo léo giúp cô thích ứng và hòa mình vào thế giới của các đạo diễn phim mà cô từng có dịp hợp tác. Ngày nay, điện ảnh hiển nhiên là lựa chọn của nữ diễn viên kín đáo và tài năng thiên bẩm này.
« Đó là một buổi tối năm 1991. Tôi đến để quay Đông Dương. Bố và tôi vừa đáp xuống Tp. Hồ Chí Minh, nơi vẫn mang tên Sài Gòn vào lần cuối cùng ông đi bộ trên các con phố năm 1975. Chúng tôi đi đến nhà cô tôi, chị gái ba tôi. Ông không báo trước cho cô vì sợ bà bối rối. Trên đường đi, ông nhận ra những khu phố nơi ông sống trước đây, nơi ông đã gặp mẹ tôi, những nơi ông thường lui tới. Dâng trào cảm xúc với những kỷ niệm cũ. Chúng tôi đến trước ngôi nhà năm xưa của ông ở quận 1, vào cuối buổi chiều. Bố tôi bấm chuông. Cô tôi nghĩ không biết ai đến vào giờ này…
« Là em, em trai của chị đây. »
« Không thể nào, em trai tôi đang ở Pháp. »
Cô tôi sững sờ khi mở cửa. Bà từng thấy tôi khi được sinh ra nhưng chưa từng thấy tôi trưởng thành như thế nào. 16 năm trôi qua, Việt Nam không còn là đất nước như trước đây khi chúng tôi rời đi. Đó là lần đầu tiên tôi trở về nước và đó cũng là kỷ niệm đầu tiên của tôi về quê hương.
Bố mẹ tôi đến Pháp với danh nghĩa là người tị nạn. Không lâu sau đó, họ nhập tịch Pháp. Chúng tôi gặp lại chú tôi, ông đang theo học Y ở Paris. Ông cho chúng tôi ở nhờ một thời gian trong căn studio nhỏ của ông, ở đó, 5 hoặc 6 người chúng tôi chen chúc nhau sống. Mẹ tôi bắt đầu với việc làm nhiều công việc khác nhau. Sau đó, bà tìm được một công việc ở một ngân hàng và dần dần được thăng chức. Bà đã từng học tại trường Pháp Marie Curie ở Sài Gòn (bà nói được tiếng Pháp) và học ngành thương mại ở Thụy Sĩ.
Vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Việt Nam, bố tơi đã tìm được việc làm trong một văn phòng kiến trúc tại Pháp.
Chúng tôi định cư ở Clichy, sau đó chúng tôi thường xuyên chuyển nhà khi mà tình hình tài chính dần dần khá hơn, từ Bagneux đến Aubervilliers và cuối cùng là Issy-Les-Moulineaux.
Gia đình tôi khá tây hóa. Mẹ tôi đã từng đi du lịch trước đây, bố mẹ tôi hoàn toàn không xa lạ với văn hóa Pháp. Về phần mình, tôi thích nghi khá dễ dàng, tôi nhớ lại khi chúng tôi sống ở Aubervilliers, có rất ít người châu Á. Chỉ có hai đứa chúng tôi trong lớp. Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô, bạn bè tôi là người Algeria, Maroc và da đen…Chúng tôi đều là người nhập cư nhưng cũng là người Pháp. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ sự phân biệt nào.
Ở nhà, chúng tôi nói tiếng Việt. Thật khó cho một đứa trẻ khi ở nhà nói một ngôn ngữ và ở trường một ngôn ngữ khác. Ngày nay, tôi cảm ơn bố mẹ mình đã gìn giữ tiếng mẹ đẻ giúp tôi. Cuối cùng, điều khiến tôi có vẻ rất Việt Nam so với bạn bè là tôi không được đi chơi vào buổi tối. Ngay khi đã là thanh thiếu niên. Tôi thường về nhà khi buổi tiệc vừa bắt đầu! Cuối cùng, không ai muốn mời tôi đến dự tiệc nữa.
Cuộc sống của tôi khá đơn điệu: chỉ xoay quanh giữa trường học và gia đình. Mỗi cuối tuần, chúng tôi cũng gặp cô, dì, chú và những người họ hàng. Chúng tôi chuẩn bị những bữa ăn Việt Nam thịnh soạn. Đến thứ hai, tôi trở lại trường học, hòa nhập vào thế giới Pháp ngữ.
Tôi được thừa hưởng một nền giáo dục chuẩn mực. Bố mẹ tôi rất khắt khe như nhiều bậc phụ huynh khác ở Việt Nam. Điều khiến tôi cảm thấy bị áp lực, khi về nhà với điểm số cao thì chưa đủ đối với bố mẹ nếu đó không phải là điểm cao nhất. Nhưng tôi là một chiến binh bé nhỏ, về bản chất lẫn nền giáo dục mà tôi có được.
Cho đến khi tôi nhận được một cơ hội tuyệt vời, đó là quay bộ phim Đông Dương. Hôm đó, chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng quận 13 Paris, bố tôi thấy một mẫu tin bị xé nửa trên cửa : «Tìm một cô gái trẻ Việt Nam đóng phim cùng Catherine Deneuve ở Việt Nam». Bố tôi là một người đam mê điện ảnh, ông lấy số điện thoại và yêu cầu tôi gọi. Nhưng tôi không làm. Tôi kể với một người bạn, cô giục tôi gọi. Tôi cảm thấy không hứng thú với mẫu tin này. Cô bạn lấy hẹn cho tôi. Tôi đến buổi thử vai, tôi được quay 5 phút, tôi cảm thấy mình làm không tốt và sau đó trong suốt hai tháng tôi không nhận được tin tức gì. Một ngày nọ, tôi nhận được cú điện thoại báo rằng đạo diễn Régis Wargnier đã xem qua hồ sơ của tôi và muốn gặp tôi. Còn tôi, với sự ngô nghê không thể tả, tôi trả lời: “Xin lỗi, tôi không rảnh. Chúng tôi sẽ đi nghỉ và sau đó chuyển đến sống ở Hà Lan (mẹ tôi kiếm được việc ở La Haye)”. Và rồi tôi gác máy! May thay, gia đình tôi có để hộp thư thoại trong thời gian đi nghỉ. Về nhà, tôi nhận được tin nhắn thoại thuyết phục tôi gọi lại cho ê-kíp làm phim. Tôi tới gặp họ, cùng với ba và bà tôi. Régis đã nói chuyện với tôi rất lâu và cho tôi thử diễn vai Camille ở phân đoạn khi cô từ biệt mẹ nuôi của mình, cũng chính là vai của Catherine Deneuve. Tôi đã hòa mình vào vai diễn, hết mình trên sân khấu mà tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể diễn được như vậy. Régis đã rất hài lòng. Cũng cùng lúc đó, ê-kip đã cho bà tôi thử vai người bạn thân nhất của Catherine Deneuve và bà đã được nhận vai diễn đó!
Thế còn lúc quay phim thì sao? Với tôi nó giống như đi nghỉ vậy. Tất cả mọi người đều để ý chăm sóc cho tôi. Chúng tôi quay ở vịnh Hạ Long và Ninh Bình, sau đó là ở Malaysia. Tôi đang học lớp 10, tôi không thể tạm hoãn việc học giữa chừng được. Tôi có gia sư, ban ngày tôi quay phim, đến tối thì học bài. Mọi việc khá là vất vả, nhất là khi tôi được giao cho một vai diễn quan trọng như vậy. Tôi đã rất khắt khe với bản thân. Tôi thi tốt nghiệp iếng Pháp vào cuối năm học lớp 10, ở Singapore. Năm học đó với tôi thật sự như một điệu nhảy rock’n roll vậy!
Sau đó, tôi được đề cử Giải Cesar cho nữ diễn viên triển vọng. Tôi đã không tới buổi lễ trao giải bởi khi ấy tôi đang bận quay phim. Catherine Deneuve đã được giải César cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, và bộ phim thì giành giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất tại Mỹ, ở đó tôi đã được phỏng vấn rất nhiều. Đông Dương đã được cả thế giới biết đến. Tôi biết rằng cộng đồng người Việt rất vui mừng khi người đóng vai Camille là một cô gái Việt. Nhưng tôi không muốn trở thành biểu tượng cho hình mẫu châu Á của điện ảnh sau vai diễn này. Tôi không muốn mang gánh nặng hình mẫu đó bên mình.
Tôi trở về nhà, trở lại cuộc sống thường nhật nhưng vẫn không muốn ra ngoài. Đó là năm thi tốt nghiệp cấp 3.
Tôi không sống trong những hoài niệm về cảnh quay và cũng không muốn mình theo đuổi nghiệp diễn xuất. Nhưng tôi cũng có một nhân viên làm đại diện cho mình. Khi tôi đang theo học y khoa, người đại diện của tôi tìm thấy một cảnh quay ở Việt Nam, tôi đã tham gia vào bộ phim này và ở lại đây trong vòng 6 tháng. Tôi bỏ ngành y nhưng vì tôi phải có một tấm bằng theo yêu cầu của bố mẹ nên tôi chuyển sang theo học trường quản trị kinh doanh ở Paris, sau đó tôi đến Việt Nam làm việc năm 1997, tôi đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận marketing cho một nhãn hàng rượu. Cô tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, bố tôi mở một văn phòng kiến trúc ở đây, tôi có một gia đình nhỏ cạnh bên. Tôi không cố tìm ra nguồn cội của mình, cũng như danh tính của mình. Tôi đã gặp nhiều người Việt Kiều Mỹ, họ luôn muốn tìm hiểu danh tính của bản thân. Họ không nói được tiếng Việt. Họ luôn muốn kết nối lại với nguồn cội. Tôi không có những thắc mắc như họ, nhưng tôi nhận thức được Việt Nam không phải là nơi tôi đã trưởng thành.
Nhưng khi làm việc, tôi học cách thể hiện bản thân theo cách ít trực diện hơn. Ở Việt Nam, họ có cách nói mang nhiều sắc thái hơn. Tôi đã cố gắng ứng xử sao cho phù hợp với hình ảnh người phụ nữ trong xã hội Việt Nam, mềm mỏng hơn, ít bộc trực hơn. Tôi đã thăng tiến trong một thế giới ngự trị bởi đàn ông. Ở vị trí của mình, tôi đã phải luôn khéo léo với họ!
Tôi chuyển sang làm việc ở Singapore, từ năm 1991 đến 2001, cùng một vị trí trong bộ phận maketing. Tôi cảm thấy lạc lõng trong môi trường này. Tôi nhận ra mình muốn trở thành một nữ diễn viên. Thật khó để đưa ra quyết định nhưng tôi đã nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Tôi đến New York vào tháng 7 năm 2001, tôi ghi danh vào các khóa học của Học viện Điện ảnh và Sân khấu Lee Strasberg. Tôi theo học ở đó trong ba năm.
Trở về Pháp, tôi làm việc cho công ty Adéquat. Năm 2005, tôi nhận được vai diễn trong bộ phim Les Mauvais Joueurs của Frédéric Balekdjian, sau đó là một vai diễn khác trong De battre mon cœur s’est arrêté của Jacques Audiard cùng với Romain Duris. Tôi đã rất muốn có vai diễn này! Tôi giành được giải Cesar cho nữ diễn viên triển vọng, mười ba năm sau lần đề cử đầu tiên. Đó là một ngày hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của tôi. Jacques mỉm cười và ôm hôn tôi. Nhưng bất chợt, tôi cảm thấy mình rất đơn độc; tôi cảm thấy mình có sự kém cỏi của người mới vào nghề và người nhập cư. Một nữ diễn viên người Việt Nam được đề cử giải Cesar, rất hiếm thấy. Tôi không chuẩn bị cho bất cứ điều gì vì tôi không tin vào điều đó. Đứng trên sân khấu trước một lượng khán giả có uy tín, tôi cảm thấy mình không thuộc về gia đình điện ảnh này. Tôi là người ngoài cuộc. Người đại diện của tôi nói với tôi « Hãy tận hưởng điều đó ! Nó chỉ kéo dài trong một năm. » Tôi có rất ít bài đăng đưa trên các phương tiện truyền thông Pháp. Tôi không biết lý do. Tuy nhiên, điều đó khẳng định rằng tôi đã lựa chọn đúng, nghiệp điện ảnh đã công nhận tôi như một diễn viên trọn vẹn.
Tôi đã luôn từ chối những vai phụ nữ châu Á khuôn mẫu, xinh đẹp, im lặng và phục tùng. Nhưng bộ phim này đã khẳng định sự lựa chọn nghệ thuật của tôi.
Tôi tiếp tục sự nghiệp của mình với những bộ phim hay như Le Bal des Actrices, của Maïwenn, vào năm 2009. Tôi thực sự thích bộ phim đầu tiên của cô, Pardonnez-moi. Tôi đánh giá cao khả năng của cô ấy, cô dành tất cả sự tin tưởng cho diễn viên. Cô để họ diễn ngẫu hứng rất nhiều. Cô cũng có dòng máu Việt Nam. Tôi thích những bộ phim của cô ấy, chúng phản ánh thực tế xã hội Pháp với người da đen, người Ả Rập, người châu Á, người da trắng… Đây là một vai diễn quan trọng trong sự nghiệp của tôi.
Cùng năm đó, tôi tham gia bộ phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tôi đã rất mong mỏi những cảnh quay ở Việt Nam, tôi luôn muốn được trở lại đó để quay phim. Đạo diễn đã liên hệ trực tiếp với tôi và tôi vô cùng thích kịch bản. Tôi đảm nhận vai Cầm, một nữ nhà văn cô độc, gần như là câm lặng. Với tôi cô ấy là một Bà Merteuil (1). Bộ phim nói về đề tài đồng tính, xã hội gia trưởng của Việt Nam cũng như những trở ngại của nó… Bộ phim đã gây ra nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn của phụ nữ cũng như nam giới, cảm ơn tôi vì đã đóng một vai diễn mà họ có thể tìm thấy mình trong đó. Chơi vơi đã thành công tại rạp chiếu phim với dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam. Bộ phim đã được chọn trình chiếu ở Liên hoan phim Mostra tại Venise.
Giờ đây, tôi vẫn luôn nghe ngóng về các dự án phim nghệ thuật tại Việt Nam. Có rất nhiều đạo diễn Việt Kiều Mỹ trở về nước và thực hiện phim của riêng mình. Tôi đặc biệt chú ý tới các đạo diễn trẻ Việt Nam như Phan Gia Nhật Linh: tôi rất thích cách làm phim cũng như thế giới trong phim của anh, tất cả đều rất khác biệt. Tôi cũng bị thu hút bởi Ash Mayfair, đạo diễn phim Vợ ba, cô ấy đã mời tôi tham gia phim này nhưng khi ấy tôi không thu xếp được. Bộ phim đã đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim.
Tôi vẫn luôn thấy mình may mắn khi được làm việc cùng những con người tài năng và đứng ngoài vòng xoay thương mại hóa. Với tôi, diễn là một bản năng. Bộ phim sắp tới của tôi, Blue Bayou sẽ ra mắt vào năm 2021. Đây là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, được đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Justine Chon thực hiện. Anh cũng đảm nhận vai chính trong phim, một cậu bé gốc Hàn được nhận nuôi tại Mỹ, nhưng lại bị trục xuất về Hàn Quốc.
Tôi chưa trở lại Việt Nam kể từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010. Tôi rất tiếc nhưng công việc không cho phép tôi có thể trở về ngay lúc này. Tôi sống giữa Luân Đôn và Paris nhưng tôi vẫn mong một ngày trở về Việt Nam sinh sống, trong một tương lai dù gần hay xa.
Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Pierre Choderlos de Laclos xuất bản ở Pháp vào thế kỷ 18.
Xem thêm các tác phẩm khác của triển lãm “Chân dung phụ nữ”
- Chị Dậu – Tác giả Nguyễn Kim Nhi
- Chị Quyền – Tác giả Nguyễn Thị Thùy Trân
- Chợ cá Vinh Hiền – Tác giả Đỗ Minh Hoàng
- Con của mẹ – Tác giả Trần Vũ Minh Phúc
- Ghé chợ Đông Ba – Tác giả Nguyễn Ngọc Duy
- Lửng lơ – Tác giả Nguyễn Vĩnh Anh Khoa
- Năm nhất trường Kiến – Tác giả Nguyễn Trung Tín
- Ngộ – Tác giả Nguyễn Ngọc Hải
- Ngôi chùa Hiền Lương – Tác giả Lê Thị Mộng Thu
- Nội – Tác giả Nguyễn Mạnh Quân
- Phụ nữ ở xóm Bờ Hồ – Tác giả Nguyễn Anh Tuấn
- Phụ nữ và hoa giấy Thanh Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiến
- Rời xa ánh đèn sân khấu – Tác giả Lã Khắc Khuê
- The breath of dance – tác giả Lê Đặng Ngọc Bích
- Thị – Tác giả Nguyễn Đức Hùng