Phụ nữ và hoa giấy Thanh Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiến
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các Tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về.
Người dân Làng Thanh Tiên nói chung và người phụ nữ làng Thanh Tiên nói riêng đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre cộng với sức sáng tạo phong phú đã tạo lên những Bông Lùng, Hoa Tre hay còn gọi là Hoa Đũa và nhuộm màu ngũ sắc. Bông Lùng, Hoa Tre cũng chỉ dùng cho việc thờ cúng, dần dà phát triển nghề làm hoa giấy.
Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chúng ta đều bắt gặp những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị. Hoa giấy cũng khoe sắc, tô điểm thêm cho mùa xuân xứ Huế, trên bàn thờ ngày Tết luôn có một cây hoa giấy với nhiều màu sắc.
Ngoài việc phục vụ cho lễ Tết, hoa giấy Thanh Tiên đã đi xa hơn để làm trang trí cho du khách thập phương, ra đến tận trời u, đi khắp mọi miền tổ quốc. Du khách khi đến làng Thanh Tiên còn được trải nghiệm làm hoa giấy cùng các nghệ nhân, hòa mình vào dòng chảy văn hóa của cha ông để lại.
Những bông hoa giấy đầy màu sắc rực rỡ tựa như những cô gái trang điểm lộng lẫy đón chào ngày tết cổ truyền của dân tộc. Đã sinh ra là phụ nữ, thì nhất định phải sống rực rỡ như những đóa hoa. Người khác có thể không nhận ra vẻ đẹp của bạn, nhưng bạn chắc chắn phải nhận ra vẻ đẹp của chính mình.